Nissan Thanh Hoá – Xe điện Trung Quốc với giá thành rẻ đã chiếm nhiều ưu thế. Tuy nhiên, các nhà sản xuất từ Nhật đã có cách.
Đối diện với một thị trường xe ngày càng đông hơn những mẫu xe giá rẻ từ Trung Quốc, G-Tekt (một trong các nhà cung cấp linh kiện cho Honda) đã bắt tay với nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới ArcelorMittal để chế tạo các bộ phận khung gầm ô tô điện với chi phí thấp hơn.
Theo đó, G-Tekt sẽ tiếp nhận công nghệ theo bản quyền từ ArcelorMittal, sau đó sẽ sử dụng để sản xuất các cấu phần của ô tô điện bằng cách gộp từ 5 đến 10 bộ phận lại với nhau thành một khối kim loại liền mạch.
Phương thức sản xuất mới của G-Tekt gần tương tự với gigacasting của Tesla, nhưng thay vì sử dụng hợp kim nhôm thì G-Tekt sẽ sử dụng các mác thép khác nhau mà có chi phí sản xuất thấp hơn.
Dự kiến, G-Tekt sẽ ứng dụng phương thức sản xuất này từ năm 2028 hoặc muộn hơn; đồng thời, G-Tekt cũng sẽ đề xuất phương thức này với các đối tác của đơn vị – là các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản bao gồm Honda. Khi ứng dụng phương thức này, chi phí sản xuất các cấu phần thân ô tô sẽ có thể giảm khoảng 20% so với gigacasting.
Sự việc diễn ra trong bối cảnh các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đã có ưu thế về giá bán. Tại Trung Quốc, BYD – nhà sản xuất xe điện lớn nhất nước này – đã bán ra những mẫu xe có chi phí sản xuất rất thấp, có mẫu chỉ tốn khoảng 6.500 USD (165,5 triệu đồng).
Những mẫu xe điện Trung Quốc giá rẻ không chỉ có tác động tại riêng thị trường nước này mà còn ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu. Mới đây nhất, Tesla đã ra quyết định sa thải khoảng 10% nhân sự trên toàn cầu.
Gigacasting là phương pháp do Tesla khởi xướng. Phương pháp này được xem là đại diện cho nỗ lực tăng năng suất của các nhà sản xuất xe điện.
Với ưu điểm cắt giảm chi phí sản xuất và tăng độ cứng chắc cho xe, nhiều nhà sản xuất trên thế giới đã ứng dụng cách làm này. Tại Trung Quốc, Xpeng và Zeekr (thuộc Geely) đang sử dụng gigacasting nhằm giảm trọng lượng xe và giảm chi phí sản xuất.
Toyota cũng đang áp dụng gigacasting theo cách của riêng mình, sẽ ứng dụng để sản xuất các mẫu xe thuần điện của hãng mà dự kiến sẽ chính thức bán ra từ năm 2026.
Cùng với đó, Nissan cũng sẽ áp dụng gigacasting với một số mẫu xe điện trong năm tài khóa 2027 với mục tiêu cắt giảm khoảng 10% chi phí vật liệu làm thân xe.
Dù gigacasting là phương pháp sản xuất rất mới nhưng nhìn chung, một số ý kiến vẫn đánh giá các nhà sản xuất Nhật Bản đang chậm trễ với phương thức đó khi sử dụng thép thay cho hợp kim nhôm. Song, các nhà sản xuất xứ mặt trời mọc dường như đang gặp nhiều khó khăn để làm chủ công nghệ.
Về mặt kỹ thuật, các bộ phận làm bằng thép sẽ được mạ nhôm để chống gỉ. Tuy nhiên, những khu vực mà cần hàn thép thì lại không được mạ, bởi lớp mạ nhôm sẽ khiến mối hàn có liên kết kém.
G-Tekt với công nghệ từ ArcelorMittal sẽ ứng dụng công nghệ laze để hàn các bộ phận thép lại thành một bộ phận liền lạc. Chi phí ban đầu khi áp dụng công nghệ này dự kiến sẽ không quá cao khi G-Tekt có thể sử dụng ngay các trang thiết bị đã có.
Hiện nay,pin và thân xe là hai yếu tố quyết định thắng thua trong cuộc chạy đua về giá xe. Trong khi pin có thể chiếm đến 30% chi phí của một chiếc xe điện, vật liệu sử dụng làm vỏ xe có thể chiếm tổng cộng khoảng 10%.
Khi ứng dụng công nghệ mới, G-Tekt có thể cắt giảm vài phần trăm chi phí tổng cộng để sản xuất một chiếc xe điện.